Sẽ phải làm thế nào khi động lực học tập và làm việc bị giảm sút? Việc giải quyết vấn đề, nâng cao động lực luôn là mối bận tâm của bất kỳ nhà lãnh đạo, quản lý nào. Nhưng các sếp hãy chú ý hơn vào những điểm cốt lõi rằng vì sao và yếu tố quan trọng nào cấu thành nên động lực làm việc cho nhân viên. Vậy mới xử lý triệt để được vấn đề.
Tiến sĩ Brett D. Jones giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố của công việc ảnh hưởng đến động lực của mọi người để tham gia vào các hoạt động với mô hình MUSIC. Tên mô hình MUSIC nghe “chill” và có vẻ liên quan đến “âm nhạc” sẽ dễ dàng tạo động lực cho nhân viên đấy chứ, nhỉ?
Nhưng thực ra, nó chẳng nhắc tới âm nhạc đâu. Chỉ đơn giản, tên mô hình là sự kết hợp viết tắt của 5 nguyên tắc cốt lõi và thú vị thay chúng ghép thành tên MUSIC như thế này:
eMpowerment (Trao quyền)
Trao quyền cho nhân viên để họ cảm thấy “tự chủ” với những công việc, lựa chọn và quyết định của họ.
Usefulness (Hữu ích)
Thấu hiểu rõ ràng về lợi ích của công việc họ đang làm trong tổ chức phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn.
Success (Thành công)
Tạo niềm tin cho nhân viên rằng chắc chắn họ sẽ đạt được những thành công nhất định nếu nỗ lực đầu tư, cống hiến hết mình.
Interest (Hứng thú)
Làm nhân viên cảm thấy hào hứng với nội dung, cấu trúc và những đề mục công việc cần làm.
Caring (Quan tâm)
Tạo môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh, mọi người quan tâm đến nhau với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”.
Các sếp có thể sử dụng mô hình này để: cố ý thiết kế hướng dẫn để thúc đẩy người khác, chẩn đoán các vấn đề cản trở động lực, nghiên cứu các yếu tố liên quan đến việc tạo động lực và lập kế hoạch thúc đẩy nhân viên.
Hiện tại, mô hình MUSIC đang được sử dụng rộng khắp tại các nước phát triển trên toàn thế giới. Vậy sao các sếp không thử soi chiếu mô hình này vào cơ cấu tổ chức công việc tại công ty của mình để tìm ra điểm cần bồi dưỡng thêm nhằm nâng cao động lực làm việc cho các anh chị em ngay nhỉ?