Kết quả then chốt không phải là tất cả, nhưng nó chính là một phần quan trọng trong chiến lược tập trung vào việc làm nổi bật và tối đa hóa các giá trị động lực trong công ty.
Tùy thuộc vào mức độ thuần thục của hệ thống giám sát hiệu suất của bạn và mức độ có sẵn của dữ liệu, bạn có thể dùng nhiều hơn một kiểu kết quả then chốt. Trong thực tế, có 3 loại kết quả then chốt chính và mỗi loại được phác thảo cùng ví dụ như phía dưới đây.
Các kết quả then chốt theo đường cơ sở:
Hãy xem xét một công ty vừa mới hoạch định lại chiến lược và quyết định tập trung vào việc tạo nên mối quan hệ mạnh mẽ, bền vững với khách hàng như đề xuất giá trị của họ, hay còn gọi là sự thân thiết với khách hàng. Một mục tiêu cho điều này có thể là “Gia tăng lòng trung thành của khách hàng”. Sau đó, nhóm đã cân nhắc và quyết định “20% khách hàng sử dụng phiếu giảm giá online” là một kết quả then chốt.
Tuy nhiên, vì chiến lược này còn tương đối mới, họ chưa từng đo lường việc sử dụng phiếu giảm giá trong quá khứ và không có đường cơ sở để thiết lập các mục tiêu phù hợp. Trong trường hợp này, họ nên sử dụng kết quả then chốt đường cơ sở, chẳng hạn như “Có được đường cơ sở về sử dụng phiếu giảm giá trực tuyến”. Trong quý, họ sẽ tìm thấy đường cơ sở có thể được sử dụng làm nguồn cho việc thiết lập mục tiêu của một kết quả then chốt thực tế trong quý tiếp theo.
Các kết quả then chốt theo số liệu:
Đây là kiểu phổ biến nhất và sẽ được nhận ra ngay lập tức vì chúng bao gồm những gì chúng ta thường nghĩ đến khi xem xét để đo lường. Kết quả then chốt theo số liệu theo dõi kết quả định lượng được thiết kế để đánh giá thành công trên các mục tiêu của bạn. Có 3 loại phụ:
Số liệu khẳng định
Thường sử dụng các từ ngữ như tăng, tăng trưởng, xây dựng, … Ví dụ: “Tăng 10% doanh thu trên mỗi email được gửi”. Kết quả then chốt được đóng khung theo ngôn ngữ khẳng định.
Số liệu phủ định
Bao gồm các động từ như hạn chế, loại bỏ, hạ thấp hoặc giảm… Ví dụ: “Giảm thời gian xử lý hóa đơn từ năm tuần xuống còn hai tuần”. Đây cũng là một lựa chọn khả thi; tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên sử dụng ngôn ngữ khẳng định để thúc đẩy động lực hướng tới mục tiêu.
Ngưỡng mục tiêu
Chúng được sử dụng khi bạn yêu cầu một phạm vi để mô tả kết quả then chốt một cách đầy đủ. Lấy ví dụ về một công ty tư vấn. Doanh thu của họ phụ thuộc vào việc có các cộng sự cùng làm việc và tính phí cho khách hàng. Do đó, tỷ lệ sử dụng các chuyên gia tư vấn có thể sẽ đại diện cho một kết quả then chốt. Tuy nhiên, rất khó để xác định chính xác mục tiêu “sử dụng”. Rõ ràng tỷ lệ sử dụng càng cao, công ty càng tạo ra được nhiều doanh thu. Tuy nhiên, việc sử dụng đến một mức độ nhất định có thể gây ra kiệt sức, căng thẳng và hiệu suất kém hơn. Trong trường hợp này, bạn có thể tạo ra một loạt các mức độ chấp nhận được, ví dụ: “Duy trì tỷ lệ sử dụng chuyên gia tư vấn từ 70 – 80%”.
Các kết quả then chốt theo cột mốc:
Đôi khi bất chấp những nỗ lực tốt nhất, bạn có thể gặp phải những điều rất khó để diễn dịch thành kết quả then chốt theo số liệu. Điều này thường xảy ra khi bạn có được một kết quả nước đôi: chúng ta đã làm nó hay chưa. Chúng ta đã ra mắt sản phẩm mới hay chưa? Chúng ta đã phát hành báo cáo hay chưa? Tuy nhiên, có hoặc không, phản hồi kiểu nước đôi này không được chấp nhận trong một khuôn khổ OKRs. Bạn cần diễn giải mọi thứ thành con số để đánh giá đúng tiến trình của bạn đối với mục tiêu. Trong những trường hợp này, một kết quả then chốt theo cột mốc quan trọng có thể là phù hợp.
Tất cả các loại kết quả then chốt đã được chia sẻ sẽ được hưởng lợi từ việc chấm điểm, nhưng đối với các kết quả then chốt theo cột mốc, nó là đặc biệt thiết yếu.
Nguồn: OKRs – Nguyên lý và thực tiễn
(Paul R. Niven & Ben Lamorte)