Quản trị Nhân sự

3 cách phát triển năng lực dành cho quản lý cấp trung

Tác giả: admin | Ngày cập nhật: 4 Tháng Mười Hai, 2021

Quản lý cấp trung là lực lượng nòng cốt trong mọi tổ chức. Trong tổ chức, quản lý cấp trung vừa là cầu nối giữa lãnh đạo cấp trên và nhân viên cấp dưới, đồng thời liên kết chặt chẽ với các quản lý đồng cấp. Cụ thể, vai trò của đội ngũ quản lý cấp trung được thể hiện qua các khía cạnh như sau:

– Nắm chắc và truyền tải chính xác những chỉ thị từ lãnh đạo cấp trên xuống dưới.

– Trực tiếp ghi nhận và truyền tải những phản hồi từ cấp dưới lên trên.

– Trao đổi thông tin với các quản lý đồng cấp, đảm bảo hoạt động của bộ phận dưới sự quản lý của mình nhất quán với hoạt động của các bộ phận khác.

– Kiểm soát hoạt động của chính bản thân để đảm bảo tiến độ chung của tổ chức.

Vì thế, làm thế nào để phát triển năng lực đội ngũ quản lý cấp trung? Làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý tại bộ phận? Làm thế nào để đội ngũ gắn kết & phát triển năng lực liên tục? Dưới đây là một số hoạt động gợi ý nhà quản lý cấp trung có thể thực hiện được ngay để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận cũng như chính nhà quản lý cũng được mài dũa các kĩ năng thông qua các hoạt động đó.

#1. Xác định tầm nhìn của tổ chức/mục tiêu năm của phòng ban và thường xuyên chia sẻ tầm nhìn đó tới đội ngũ

Nếu bạn có nhân viên tài năng, để thu hút sự tham gia của đội ngũ, phát huy hết khả năng của họ, bạn cần làm rõ tầm nhìn tổ chức cho đội ngũ nhân viên hiểu, Mục đích mà doanh nghiệp đang muốn hướng tới? Mục tiêu của phòng ban trong năm là gì? Ý nghĩa sau cùng của mỗi công việc hàng ngày? Từng công việc nhân viên làm sẽ tác động đến ai và ở mức độ nào? Đây là những câu hỏi cần được giải đáp. Hãy đảm bảo rằng tầm nhìn & mục tiêu của phòng ban rõ ràng và ngắn gọn.

Một vài gợi ý các nhà quản lý có thể thực hiện được ngay: 

– Tổ chức cuộc họp chính thức và phi chính thức chia sẻ về tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức/mục tiêu của phòng ban.

– Viết tầm nhìn, sứ mệnh & giá trị cốt lõi ở những nơi các nhân viên có thể thường xuyên nhìn thấy.

– Định kỳ rà soát kết quả làm việc so với mục tiêu, tiến độ triển khai kế hoạch để đưa ra điều chỉnh phù hợp.

#2. Tăng cường gắn kết nhân sự & phát triển năng lực đội ngũ 

Khi tầm nhìn của bạn đã rõ ràng nhưng đội ngũ của bạn chưa sẵn sàng để cùng hướng tới tầm nhìn đó thì sao? Các nhân viên của bạn muốn gì? Điều gì là động lực để họ làm việc với hơn 100% công suất? Đâu là những năng lực cần thiết để họ hoàn thành xuất sắc các công việc được giao?  Đây thực sự là những câu hỏi quan trọng của nhà quản lý khi dẫn dắt một đội ngũ. Nhà quản lý hoàn thành mục tiêu thông qua nỗ lực làm việc của đội ngũ. Vì thế, Tạo động lực & Huấn luyện kèm cặp phát triển nhân viên là hai hoạt động nhà quản lý phải dành thời gian nhiều nhất trong bảng checklist công việc hàng tuần, hàng tháng.

Một vài gợi ý các nhà quản lý có thể thực hiện được ngay: 

– Tổ chức các buổi họp 1-1 để tìm hiểu mong muốn, tâm tư nguyện vọng của nhân viên.

– Gắn kết nhóm bằng cách khuyến khích đội nhóm đưa ra ý tưởng & nỗ lực biến các ý tưởng thành hoạt động thực thi tại phòng ban.

– Giao việc & Ủy thác các công việc thách thức để nhân viên có cơ hội thể hiện & phát huy năng lực tiềm ẩn.

– Thường xuyên có những buổi trao đổi đánh giá kết quả làm việc để nhân viên thấy rằng nỗ lực của họ góp phần vào sự thành công của phòng ban.

– Tổ chức các chương trình đào tạo & hội thảo nội bộ để phát triển năng lực đội ngũ & văn hóa nội bộ phòng ban.

– Thường xuyên có những buổi nói chuyện chính thức & phi chính thức để phát triển năng lực nhân viên cũng như tư vấn lộ trình phát triển nghề nghiệp cho nhân viên của mình.

#3. Thường xuyên cải tiến phương pháp làm việc hiệu suất cao

Có khi nào bạn cảm thấy sự giao tiếp giữa mình và đội nhóm chưa hiệu quả? Bạn đã chắc chắn hoàn toàn các thành viên đều hiểu, nắm được & áp dụng thành thạo phương pháp làm việc tối ưu nhất? Phòng ban của bạn luôn cần thống nhất một quy chuẩn giao tiếp nội bộ hiệu quả & phương pháp làm việc hiệu suất cao. Nhà quản lý thường xuyên dành thời gian một cách chính thức để đội ngũ liên tục cải tiến phương pháp làm việc một cách hiệu quả cũng như tạo văn hóa hành động hướng kết quả cuối cùng.

Một vài gợi ý các nhà quản lý có thể thực hiện được ngay: 

– Tổ chức các hoạt động chia sẻ phương pháp và công cụ làm việc khoa học.

– Thống nhất những nguyên tắc làm việc quan trọng của một phòng ban: Cơ chế lập kế hoạch, Tần suất & Cách thức báo cáo,…

– Dành thời gian trao đổi nhiều hơn cho những thành viên quan trọng & có ảnh hưởng trong phòng ban.

– Thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ về cải tiến cách thức tương tác, họp & báo cáo để tìm ra phương pháp hiệu quả và phù hợp nhất.